The Grandmaster


maxresdefault

Khi xem xong The Grandmaster của Vương Gia Vệ, cảm giác của tôi rất ngổn ngang. Thất vọng thì cũng không hẳn là thất vọng lắm. Nhưng thán phục gật đầu như những phim trước của Vương Gia Vệ thì chưa.

The Grandmaster, tôi vẫn bắt gặp một Vương Gia Vệ mà mình thích. Một Vương Gia Vệ với những góc quay slow motion, với những khung hình hẹp, cận mặt nhân vật và xóa background nhiều. Một Vương Gia Vệ với cách dẫn chuyện sử dụng khá nhiều voice over trong lúc cho nhân vật chuyển động chậm. Một Vương Gia Vệ với cách chọn nhạc quá đỉnh: buồn, sang trọng, hợp phim, gợi nhiều cảm giác hoài niệm. Một Vương Gia Vệ với kết phim luôn làm tôi suy nghĩ, để lại những dư âm vang vọng mãi. Vậy là tốt rồi. Vương Gia Vệ vẫn không thay đổi. Vẫn làm tốt như thế. Nhưng có lẽ vì tôi quen thuộc với phong cách của ông rồi (thật ra tôi thử đếm thì thấy trước đó cũng chỉ mới xem bốn phim của ông thôi: Chungking Express, In the mood for love, 2046, My blueberry nights nhưng vậy là đủ nhận diện phong cách) nên đòi hỏi cao chăng? Cũng như những ai đã xem nhiều phim của Châu Tinh Trì thì nói Journey to the West không hay lắm. Có lẽ là như thế… Tôi chỉ buồn khi một số người không hiểu được cái hay trong phim của Vương Gia Vệ.

the-grandmaster

Nhận xét chung mà tôi thấy nhiều nhất là vấn đề võ thuật trong phim nhìn giả quá. Tôi có thể lí giải được điều này. Đó là do Vương Gia Vệ sử dụng slow motion cho các đoạn võ thuật rất nhiều. Thông thường, ở phim võ thuật, những cảnh đánh nhau sẽ diễn ra với tốc độ đánh bình thường hoặc có khi là fast motion. Những đoạn slow motion sử dụng trong võ thuật chỉ như một điểm nhấn. Nhưng đó là phim võ thuật đúng nghĩa. Còn ở đây, sở trường của Vương Gia Vệ không phải phim võ thuật. Sở trường của ông là phim tâm lí. Võ thuật chỉ là cái vỏ bề ngoài. Tôi chưa xem những phim giai đoạn đầu của Vương Gia Vệ. Đã nhiều lần tôi muốn xem Day of being wild hay As tears go by nhưng rốt cuộc vẫn chưa xem được. Tuy nhiên, tôi biết giai đoạn đầu Vương Gia Vệ nổi tiếng vì đã đem đến cho mọi người cái nhìn khác về dòng phim tạm gọi là “xã hội đen” của Hong Kong. Thưở thập niên 80 – 90, khi nhắc đến phim Hong Kong người ta chỉ nghĩ đến phim cổ trang hoặc xã hội đen mà thôi. Dòng phim xã hội đen thời ấy là dòng phim nổi tiếng nhất của Hong Kong và người ta vẫn luôn đánh giá xã hội đen đồng nghĩa với rẻ tiền. Thế nhưng, Vương Gia Vệ đã đem một cái nhìn khác cho mọi người, cho thế giới. Ông là đạo diễn làm phim nghệ thuật, không phải thương mại giải trí. Vậy mà ở những phim đầu tay, ông lại chọn đề tài xã hội đen. Tuy nhiên, xã hội đen của ông đúng là một xã hội đen đậm chất Vương Gia Vệ. Không phải là thuần túy miêu tả những cảnh đánh nhau, trả thù, đâm chém. Nó là tháng ngày đấu tranh với việc tìm ra một con đường cho bản thân, với sự cô đơn… Đây là nhận xét tôi tổng kết lại từ một số review phim mà mình đã đọc được. Có lẽ đó là một thế giới xã hội đen rất nhân văn. Nhiều người nói nền điện ảnh Hong Kong biết ơn Vương Gia Vệ vì đã cho thế giới một cái nhìn khác về nó. Đáng lẽ người ta cũng nên xem The Grandmaster với một tinh thần như thế: dù là phim nói về võ thuật nhưng không phải là phim võ thuật mà vẫn là phim tâm lí, chỉ là dùng võ thuật như lớp vỏ bề ngoài để truyền tải câu chuyện. Hiểu như thế thì sẽ không bực bội The Grandmaster khi cảm giác những cảnh võ thuật trong phim giả. Tuy nhiên, chính bản thân tôi cũng thắc mắc vì sao Vương Gia Vệ sử dụng thủ pháp slow motion nhiều như thế? Hầu như cảnh nào trong phim, hễ cứ đánh nhau là Vương Gia Vệ dùng slow motion. Không có chút gì ngoại lệ. Có lẽ vì Vương Gia Vệ theo chủ nghĩa duy mĩ, ông làm như vậy để giảm bớt yếu tố bạo lực xấu xí chăng? Để cho các cảnh võ thuật trong phim mềm mại. Thà đẹp hơn là thực. Có lẽ ông đã tính toán như thế chăng?

the_grandmaster

Điểm qua một chút về nội dung. Tôi thấy thế này: cách kể chuyện của phim vẫn rất Vương Gia Vệ, nội dung vẫn mang tinh thần Vương Gia Vệ: hoài niệm, u buồn… Tuy nhiên so với bốn phim trước tôi đã xem, tôi thấy phim này về mặt nội dung là ít chất Vương Gia Vệ nhất. Những triết lí trong phim, hầu như cũng có thể bắt gặp ở những phim võ thuật khác của Trung Quốc, không có gì quá mới mẻ. Về thoại thì phim này cũng có ít câu thoại mà tôi thích so với những phim khác của Vương Gia Vệ. Tôi chờ mong có những tình tiết làm tôi xúc động mà tinh tế, lạ lẫm giống như trong Chungking Express, nhân vật nam chính khi bị thất tình một cô gái tên May đã đến tất cả các cửa hàng tiện ích chỉ để mua đồ hộp có hạn sử dụng là tháng Năm dù tháng Sáu đã bắt đầu đến rồi và không còn cửa hàng nào bán đồ tháng Năm nữa. Anh phải lục trong nhà kho của cửa hàng, bị chủ cửa hàng la mắng, nói là không thể bán cho khách đồ đã quá hạn sử dụng được. Anh khóc. Và rồi đoạn voice over đó vang lên: “Dường như tất cả các đồ vật trên thế giới đều có thể đóng hộp và rồi được in thời hạn trên đó. Từ thức ăn nhanh, cuộn phim chụp hình… giá mà tình cảm con người cũng có thể đóng hộp để biết khi nào hết hạn thì tốt biết mấy.” Đau, nhưng thật sự rất thấm. Chi tiết đó tôi nhớ đến giờ. Chungking Express là phim tôi thích nhất của Vương Gia Vệ vì còn nhiều chi tiết nữa rất hay. Quay trở lại The Grandmaster. Trong phim này, cũng có vài câu thoại mà tôi thích nhưng Vương Gia Vệ không tạo được tình huống xuất sắc để câu thoại đó vang lên mà làm người ta đau như Chungking Express. Dù The Grandmaster những cảnh cuối rất buồn nhưng với tôi như thế là chưa đủ. Tôi thích một câu của Cung Nhị:

“Thử nghĩ người ta thường nói đời người không có gì phải hối hận. Thực ra chỉ là nói nhảm. Nếu như đời người không có gì khiến người ta phải hối hận thì có lẽ cuộc đời đó nhàm chán lắm.”

Tôi thực sự rất đồng tình với quan điểm này của Cung Nhị. Nhân vật trong Lovestory có nói câu: “Yêu là không có gì phải hối tiếc.” Song, tôi lại nghĩ một tình yêu dù cuối cùng kết thúc hạnh phúc chăng nữa, chắc chắn vẫn có những khoảnh khắc người ta cảm thấy hối tiếc. Nhưng chính vì có hối tiếc ta mới thêm yêu cuộc đời, yêu người mình yêu. Người ta thường cố gắng sống sao cho khỏi hối tiếc. Nhưng mấy ai thực sự sống mà không phải hối tiếc. Nếu một cuộc sống không có gì hối tiếc thì đúng là rất đáng chán.

grandmaster

Cuối cùng, một điều nho nhỏ: tôi cảm thấy thất vọng với nhân vật của Song Hye Kyo trong phim. Tôi nghe tin nàng đóng phim này đã từ lâu. Có lẽ cách đây chừng hai, ba năm. Nghe đâu Song sang Trung Quốc cũng lâu rồi, còn đi tuyên truyền cùng đoàn phim nữa. Tôi cứ nghĩ vai của Song trong phim cũng lớn. Nhưng rồi khi nhìn poster không thấy hình Song, tôi tự hiểu là Song chỉ đóng vai phụ trong phim. Dù vậy, tôi vẫn hi vọng đây là vai phụ để lại ấn tượng. Tôi không ngờ Song chỉ đóng vai một người vợ hiền thục, ít nói – đúng kiểu mẫu người vợ Trung Quốc điển hình. Hài nhất là ở đầu phim, Diệp Vấn nói: “Vợ tôi bình thường không nói gì cả. Nàng không nói vì nàng cho rằng xuất khẩu ắt sẽ không tránh khỏi chuyện làm người ta tổn thương. Vì vậy, nàng không nói.” Lúc đó tôi cười thầm, nghĩ rằng thực chất thì vì Hye Kyo là người Hàn Quốc nên có lẽ kịch bản phim như thế để hạn chế thoại của Song. Chỉ là nghĩ vui thôi. Bởi vì có những phim mà diễn viên Hàn qua Trung Quốc đóng vẫn nhờ lồng tiếng Trung để được thoại nhiều và suôn sẻ. Không ngờ điều đó chính xác. Cuối cùng trong The Grandmaster, tổng cộng các cảnh Song xuất hiện chỉ khoảng chừng năm phút, thoại thì có lẽ được bốn, năm câu. Tôi thầm nghĩ: “Trời ơi, chỉ có vậy thôi mà Song cất công qua Trung Quốc đóng làm gì nhỉ?” Thực ra, tôi cũng đã hiểu được sự lựa chọn của Song: nàng muốn làm việc với Vương Gia Vệ. Không phải mấy ai cũng được may mắn hợp tác cùng Vương Gia Vệ vì ông làm theo ekip rồi. Ông hầu như ít thay đổi diễn viên. Phim nào của Vương Gia Vệ cũng có một số khuôn mặt quanh đi quẩn lại: nhiều nhất là Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc, Lưu Đức Hoa… Hơn nữa, Lương Triều Vỹ, Chương Tử Di cũng quá nổi tiếng. Xét về tầm mức điện ảnh thế giới có lẽ là hơn Song nhiều. Chính vì thế, dường như Song nhận vai này không phải vì nó đặc biệt mà chỉ là một cơ hội để học hỏi các bậc tiền bối gạo cội trong điện ảnh và có thêm cơ hội quảng bá tên tuổi của mình ra thế giới.

00232563

Kodaki
22:58
24.2.2013


Leave a comment